Vừa qua, Ban Quản lý
các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng (Ban Quản lý) đã hoàn thành công
tác tu bổ, tôn tạo di tích hang Không Hẩu thuộc khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa
điểm chiến thắng Biên giới năm 1950.
Toàn cảnh di tích Hang Không Hẩu. (ảnh: Minh Thị)
Di tích Hang Không Hẩu nằm trên địa phận xóm Bản Mới, xã Đức
Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm
chiến thắng Biên giới năm 1950. Đây là nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
trước khi ra mặt trận trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên giới năm 1950. Đồng thời,
Hang Không Hẩu là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Chỉ huy trưởng Chiến dịch và
các đồng chí lãnh đạo của Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã tiếp nhận sự chỉ đạo trực tiếp
của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết tâm giành thắng lợi trong Chiến dịch Biên giới
năm 1950.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng
vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Chính phủ Pháp
thực hiện “Kế hoạch Rơve” tăng cường quân cho chiến trường Bắc Bộ, thiết lập
“hành lang Đông – Tây” để cô lập căn cứ địa Việt Bắc; đồng thời tích cực chuẩn
bị tấn công lên căn cứ địa Việt Bắc để tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh.
Trong khi đó, Nhân dân Việt Nam với ý chí quyết tâm đánh giặc đã nhất tề hưởng ứng
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc
kháng chiến trường kỳ với niềm tin tất thắng.
Đứng trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển
biến thuận lợi, nhằm đưa cuộc kháng chiến lên một bước tiến mới, tháng 6/1950,
Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch
Biên giới, Cao Bằng được chọn làm chiến trường chính. Với tầm quan trọng của
Chiến dịch Biên giới, đầu tháng 9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt
trận. Ngày 10/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Sở Chỉ huy Chiến dịch tại Tả Phầy
Nưa (xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên) nghe báo cáo tình hình chuẩn bị cho Chiến
dịch. Ngày 14/9/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Sở Chỉ huy Chiến dịch chuyển về
Nà Lạn (nay là xóm Bản Mới, xã Đức Long, huyện Thạch An). Tại đây, một phần để
giữ bí mật, một phần để tránh làm phiền dân lại có thể giúp dân nếu cần, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại Hang Không Hẩu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Đài quan sát, chỉ đạo trận đánh Cứ
điểm Đông Khê mở màn Chiến dịch Biên giới 1950.
Hang Không Hẩu là một mái đá nhô ra không rộng, chỉ đủ kê làm
chỗ ở và đặt cái sạp tre, phải lợp thêm phần mái gianh ra đằng trước để đủ
không gian sinh hoạt. Từ ngoài nhìn vào không thấy rõ hang vì xung quanh cây cỏ
um tùm. Cách cửa hang không xa có lán lớp bình dân học vụ của Nhân dân địa
phương. Trong thời gian diễn ra Chiến dịch Biên giới, Hang Không Hẩu và chiếc
lán này là nơi bộ đội phục vụ và bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hang Không Hẩu. (ảnh: Tuấn Đạt)
Sau khi Chiến dịch Biên giới 1950 toàn thắng, di tích Hang
Không Hẩu chỉ còn địa điểm hang, phần mái lợp thêm và các vận dụng sinh hoạt đã
không còn. Để đảm bảo công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, vừa qua,
Ban Quản lý đã tiến hành công tác tu bổ, tôn tạo di tích Hang Không Hẩu. Phần
trước cửa hang được xây kè kiên cố; dựng gian lán lợp mái gianh, bên trong đặt
sạp tre và bếp lửa mô phỏng không gian sinh hoạt và làm việc của Chủ tịch Hồ
Chí Minh. Phía dưới hang đặt bia di tích, xây bậc đá và tạo lối đi bộ lên Hang
Không Hẩu. Ngoài ra, Ban Quản lý đã đặt biển chỉ dẫn đường vào di tích; mở rộng,
phát quang khu vực xung quanh hang để Nhân dân và du khách có thể dễ dàng quan
sát, tìm hiểu di tích. Trong thời gian tới, Ban Quản lý tiếp tục chỉ đạo bộ phận
chuyên môn hoàn thiện nội dung thuyết minh, tuyên truyền về giá trị lịch sử Hang
Không Hẩu.
Thi công Bia di tích Hang Không Hẩu. (ảnh Tuấn Đạt)
Hiện nay, công tác tu bổ, tôn tạo di tích Hang Không Hẩu đã
hoàn thành và đưa vào phục vụ nhu cầu tham quan, học tập của Nhân dân và du
khách. Việc tu bổ, tôn tạo di tích có ý nghĩa quan trọng, góp phần bảo tồn và
phát huy giá trị các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Cao Bằng, đồng thời quảng
bá sâu rộng về tầm quan trọng của Chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950 – một
thời Hoa lửa./.
Tuấn Đạt